Posted on Để lại phản hồi

BẠN CÓ BIẾT PHONG THỦY TỐT NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ GÌ KHÔNG?

Nội dung câu chuyện như sau:
Triệu Tử Hào làm ăn kinh doanh rất phát đạt. Anh quyết định mua một mảnh đất rộng ở ngoại ô, xây một biệt thự ba tầng, bên trong có vườn hoa cây cảnh ao cá, kết hợp rất đẹp mắt.

Đằng sau vườn còn có một cây vải cổ thụ trăm tuổi. Sở dĩ vì nhắm đến cây vải mà Triệu mới mua mảnh đất này, nguyên nhân là bởi vợ anh thích ăn vải. Trong thời gian sửa sang nhà cửa, bạn bè khuyên anh tìm một thầy phong thủy về xem giúp để tránh phạm phải những điều kiêng kỵ.


Triệu Tử Hào tự lái xe đến Hồng Kông mời một đại sư. Vị đại sư này họ Tào, đã có hơn 30 năm kinh nghiệm, rất có tiếng trong giới phong thủy. Sau khi trình bày mọi chuyện, Triệu Tử Hào lái xe đưa thầy phong thủy về biệt thự nhà mình.

Trên đường đi, gặp bất cứ xe nào muốn vượt, anh đều nhường. Vị đại sư cười nói: “Ông chủ Triệu lái xe thật chậm rãi”. Triệu Tử Hào cười lớn, đáp: “Những người vượt phần lớn đều là đang có chuyện gấp, không nên cản trở, làm mất thời gian của họ.”


Xe về đến thị trấn, một đứa trẻ đang vừa cười vừa từ trong ngõ nhỏ chạy thẳng ra đường. Triệu Tử Hào vội phanh xe tránh, đứa trẻ cười tít mắt chạy qua rồi, anh vẫn chưa nhấn ga đi tiếp mà ngó vào trong ngõ, dường như đang đợi điều gì. Một lát sau, lại có một đứa trẻ khác chạy ra, đuổi theo đứa trẻ lúc trước đã đi khá xa. Tào đại sư ngạc nhiên hỏi: “Sao anh biết phía sau vẫn còn một đứa trẻ nữa?” . Triệu nhún vai: “Trẻ nhỏ đều thích chơi trò đuổi bắt, nếu chỉ chơi một mình, đứa trẻ chẳng thể cười vui như thế được”. Vị đại sư giơ ngón tay cái ra trước mặt khách hàng của mình, tỏ ý tán dương: “Có tâm”.

Đến biệt thự, vừa xuống xe, vài con chim bất giác bay từ sân sau ra phía trước. Nhìn thấy vậy, Triệu Tử Hào liền dừng xe trước cổng và nói với thầy phong thủy: “Phiền đại sự đợi ở đây một lát.”
Có chuyện gì vậy?” – vị đại sư lại một lần nữa ngạc nhiên. “Sau vườn chắc chắn là có trẻ con đang hái trộm vải, bây giờ mà chúng ta vào, chúng sẽ hoảng sợ, không may rơi từ trên cây xuống đất sẽ rất nguy hiểm”, Triệu Tử Hào cười đáp. Thầy phong thủy họ Tào trầm ngâm trong giây lát và nói: “Phong thủy nhà anh không cần phải xem nữa.”


Lần này, đến lượt Triệu ngạc nhiên: “Đại sư, sao ông lại nói như vậy?” , “Những nơi có anh ở đều là những nơi có phong thủy tốt cả rồi”, Tào đại sư đáp. Nhân kiệt địa linh, phong thủy tốt nhất đời người chính là tâm của mỗi người!

Con người nếu có tâm, có phúc, sống tại nơi có phong thủy xấu rồi cũng sẽ có ngày chuyển thành đẹp. Ngược lại, nếu sống tại nơi có thế phong thủy đẹp, thế đó rồi cũng sẽ tự bị phá vỡ.


Nói như vậy để thấy rằng, không phải cứ ở nơi có phong thủy tốt, cuộc sống của chúng ta khắc sẽ thuận lợi viên mãn. Phong thủy tốt hay xấu phụ thuộc vào tấm lòng, vào tâm đức, phúc phận của con người. Và để có được những thứ đó, chúng ta cần không ngừng tu dưỡng mỗi ngày.

Tu dưỡng để sống thiện lương, tu dưỡng để sống hiếu thuận, đặt mình ở vị trí thấp hơn người khác để thấu hiểu, bao dung và cảm thông, tu dưỡng để biết đủ, hài lòng với những gì mình có, không tham sân si, không oán trách, thuận theo lẽ tự nhiên…

Bất cứ ai, một khi trong lòng đã tiếp nhận niềm vui, an lạc của người khác, biết nghĩ cho người khác thì người có lợi, không chỉ là người khác mà còn bao gồm cả bản thân chúng ta!
-Sưu tầm-

Posted on Để lại phản hồi

LÀM TINH BỘT NGHỆ TẠI NHÀ

Về tác dụng của tinh bột nghệ thì các chị em có thể tìm trên Google sẽ ra rất nhiều kết quả về những lợi ích mà tinh bột nghệ mang lại ạ.

Em có thói quen uống 1 cốc nước ấm pha chút xíu mật ong vào mỗi sáng sớm khi ngủ dậy và chưa ăn gì, gần đây em bắt đầu tìm hiểu và pha thêm tinh bột nghệ vào cốc nước ấm pha mật ong và uống  mỗi sáng.

Em được nhỏ bạn thân tặng cho hộp tinh bột nghệ, nàng ấy nói rằng chỗ mua tin cậy, không phải em không tin mà là vì vốn bản tính thích lọ mọ tự làm nhiều món như: dầu dừa, sữa đậu nành, sữa hạt… sau khi tìm hiểu cách làm em thấy khá đơn giản, chỉ là mất nhiều thời gian, nhưng vì  xác định làm nước uống mỗi ngày, nên em quyết  tâm nghỉ hẳn gần 1 ngày để ở nhà làm tinh bột nghệ.

Em nhờ mẹ mua nghệ của chị bán hàng quen, chị chọn loại nghệ nếp ổn nhất, tối làm về em rửa nghệ thật sạch, để ráo qua đêm.

Sáng 5h em dậy bắt đầu gọt vỏ, 06 kg nghệ gọt từ 5h30 đến 8h30 sáng mới xong ạ ^^ (chắc do em chưa quen nên gọt hơi chậm)

Huhu, vì  lo cái máy xay sinh tố bị vàng nên em mang máy xay thịt ra xay, ai dè đâu máy xay thịt không hiểu sao không vào điện, muốn khóc luôn á.

Nhớ đến bác hàng xóm người gốc ở đây, gọi hỏi nhờ bác có biết chỗ nào xay ướt không, trời ơi vui khôn tả ,hihi,  bác chỉ chỗ cho, và em mang tới điểm đó xay, chỗ e 6kg nghệ, sau khi cạo vỏ thì còn độ 4,5kg nghệ, nên hơi  it so với  cối xay đó, bác ấy bảo em làm độ 7kg nghệ là xay vừa máy, thì nghệ sẽ nhỏ và xay nhanh.

Không biết nên vui hay buồn về vụ máy xay thịt hỏng, chứ để em tự xay nhuyễn được ngần đó nghệ thì chắc mệt nghỉ  luôn . Vậy mà không hiểu sao các bạn bảo xay bằng máy xay sinh tố thì chắc mệt quá ah.

Xay nghệ về rồi em bắt đầu lọc nghệ (như lọc sữa đậu nành): đổ nước lọc vào bột nghệ vừa xay về, nhào nhào cho nhuyễn thêm rồi bắt đầu vắt lấy nước, bỏ bã (em đã tiếc rẻ và vắt lần 2, nhưng kết quả là không  tạo ra tinh bột ở lần vắt 2 này,nhưng được độ 1 lạng bột nghệ (e đem phơi và cất hộp để dành kho thịt cá rất tuyệt, màu vàng đẹp mà không có đậm mùi như nghệ tươi  )

Sau khi vắt xong, để lắng nước  nghệ vừa lọc trong vòng 4h đồng hồ, bột nghệ lắng xuống đáy nồi, nước trong ở phía trên, ta đổ phần nước này đi, còn lại bột nghệ phía dưới, tiếp tục cho độ 2lit nước vào quấy đều bột nghệ lên, sau đó lại để lắng, lần thứ 2 này chỉ để thời gian khoảng 01h đồng hồ bột nghệ đã lắng xuống, lại tiếp tục gạn đổ phần nước trong phía trên đi, để lại phần bột nghệ phía dưới. Tiếp tục đổ nước  vào nguấy lên và để lắng, lần thứ 3-4-5 chỉ để độ 30phút đã lắng có nước trong phía trên.

Lần lắng cuối cùng là khi nước trong veo, không còn màu đỏ của nghệ nữa, và ta sẽ thu được tinh bột nghệ màu vàng rất đẹp.

Ta đem chỗ tinh bột này, dàn nhỏ lên khay inox mang phơi, tránh phơi trực tiếp dưới nắng mặt trời,

Vì  thu được có it tinh bột nên nhanh khô lắm ạ, khi khô tinh bột sẽ nứt nứt ra viên nhỏ nhỏ như hạt đậu, ta đem bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.

Kết quả 6kg nghệ tươi chưa cạo vỏ, thu được độ gần 2 lạng tinh bột nghệ và độ 1 lạng bột nghệ.

Vậy sẽ mất độ 35kg nghệ tươi mới làm được 1kg tinh bột nghệ.

Mất khá nhiều thời gian,nhưng bù lại, là mình tự làm nên yên tâm tuyệt đối, mỗi sáng uống một cốc nước ấm, pha chút xíu mật ong với tinh bột nghệ ,ngắm ngía cốc nước vàng vàng xinh xinh thấy thật thú vị !

Em uống độ 2 tháng mới hết độ gần 2lạng tinh bột nghệ đó ạ.

Chị em nào thich uống thì chịu khó tự làm cho yên tâm nha! Không khuyến cáo chị em chưa từng lọ mọ làm món vặt linh tinh,vì chưa quen sẽ rất ngại, đang làm mà bỏ dở thì khổ lắm, vì nghệ dây khắp nơi rồi, mất cả tuần đồ dùng nhà em mới sạch sạch trở lại, mà chưa sạch hẳn như ban đầu đâu ạ ^^

By Admin

Posted on Để lại phản hồi

HÃY THẢ LỎNG VÀ CHO THẮT LƯNG CỦA BẠN ĐƯỢC NGHỈ NGƠI THƯ GIÃN

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau vùng thắt lưng( Psoas) không chỉ trong luyện tập yoga mà các sinh hoạt đời sống thường ngày của chúng ta , mất đi sự ổn định của cơ này chúng ta có thể gặp các vấn đề về đau lưng, đau chân, đau khớp cùng chậu,khó thở…..

Cơ thắt lưng là một trong những nhóm cơ trọng tâm dày nhất trong cơ thể và là cơ quan trọng nhất để kết nối giữa thân trên với thân dưới , bên ngoài vào bên trong, mặt trước với mặt sau. Chúng bám từ các đốt sống lưng (T12-L4 và L4 đến L5), cơ lớn chạy qua khoang chậu nối vào phía trong xương đùi(cơ thắt lưng chậu), cơ nhỏ bám vào khung chậu dưới, gần đáy xương mu (iliopubic).

Cơ thắt lưng có vai trò rất lớn trong việc nâng đỡ trọng lực, . luôn luôn trong tình trạng phải hoạt động hàng ngày do chúng phải làm việc, vận động liên tục, đi đứng, trong thực hành các asana,chuỗi chuyển động ….

Vì phải tham gia vào nhiều chuyển động, nâng đỡ hàng ngày như vậy nên đến khi hoạt động quá tải khiến chúng yếu đi , có những vận động quá sức, chuyển động sai lệch, khi tập các tư thế trong yoga chưa đúng,hay kể cả tập đúng mà sao vẫn đau , cơ thắt lưng bị bó ngắn , hay do thói quen siết bụng siết luôn cả lưng dưới thì sẽ gây ra tổn thương và làm đau thắt lưng …. và gây hạn chế rõ rệt trong chuyển động.

Hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn một số tư thế tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả và tuyệt vời giúp trị liệu , thư giãn và thả lỏng vùng thắt lưng mà chúng ta nên và có thể thực hiện mỗi ngày vào trước buổi , cuối buổi tập yoga hay bất cứ lúc nào thấy lưng đau và mệt mỏi . Có những ngày mình chỉ nầm các tư thế này tập trung hướng ý thức đưa hơi thở vào khu vực bị bó, căng, đau mà cảm thấy thư giãn và thoải mái vô cùng , tỉnh dậy tràn đầy năng lượng mà không phải tập luyện nhiều gì cả. Ngay cả khi bạn không bị đau thắt lưng bạn đau mỏi các khu vực khác cũng đều có thể nằm thư giãn ở các tư thế dưới đây hoặc thiền nằm trong các tư thế này.

Hình 1
Hình 2

Tư thế đầu tiên (hinh1) là tư thế supta baddha konasana – tư thế nằm góc cố định là 1 tư thế nằm thả lỏng tự nhiên toàn bộ cơ thể để cho lực hút của trái đất kéo giãn đủ độ 1 số vùng của lưng, hông và chân giúp cân bằng lại toàn bộ hệ cơ và thần kinh của chúng ta rất tốt …Nếu thấy căng cơ khép , căng cơ chân và hông ban đầu có thể hỗ trợ dùng 2 gối kê ở dưới chân như( hình 2). mới đầu năm như vậy khoảng 5-10p sau dần tăng tiến trình lên từ 30p hoặc hơn tùy theo cảm nhận cơ thể, tập trung vào viêc hít thở hay niệm chú OM, OM AH HUM, OM MA NI PADMEHUM….

Hình 3 : Tư thế trả về

Tư thế (hinh3) là tư thế trả về bằng cách thu 2 đầu gối trạm nhau, 2 bàn chân mở rộng thả lỏng rồi từ từ thư giãn để thả chìm toàn bộ cái thắt lưng của chúng ta xuống thảm ,Tập trung hướng ý thức , cảm nhận thật tinh tế và hít thở nhiều hơn vào vào vùng lưng dưới để làm mềm nó và cung cấp dưỡng khí tới các tế bào . thực hiện tư thế 1 bao lâu thì tư thế 3 trả lại bấy nhiêu thời gian để cân bằng.

Hình 4

Cuối cùng nếu có nhiều thời gian( nếu không ta có thể tỉnh dậy sau hình 3) ta duỗi toàn bộ 2 chân và trở về tư thế xác chết nẳm thả lỏng toàn bộ cơ thể, để hơi thở theo trạng thái tự nhiên và thư giãn (hình 4).

Nguồn: Hạ Lan yoga

Posted on Để lại phản hồi

LÀM VIỆC THIỆN CẢI VẬN MỆNH

”Liễu Phàm Tứ Huấn” là một cuốn sách nổi tiếng của Trung Quốc. Tác giả có tên thật là Viên Hoàng, tên tự là Khôn Nghi (1533 – 1606). Ông là người huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, sống vào triều đại nhà Minh. Khi còn trẻ, ông đã được một vị cao nhân tiên đoán chính xác cả cuộc đời của mình, tuy nhiên sau này ông đã tự thay đổi được số mệnh.

Cha của Viên Liễu Phàm qua đời từ khi ông còn niên thiếu, mẹ ông khuyên con trai hãy từ bỏ việc tu học theo Nho giáo, thay bằng việc học nghề y để có thể kiếm tiền nuôi thân, lại vừa có thể cứu người.

Một hôm, ông đi đến chùa Từ Vân, gặp được một ông lão có tướng mạo phi phàm, phong thái phiêu nhiên như một vị Đạo Thần. Ông lão nói với ông: “Con có tướng làm quan. Sang năm, con có thể tham gia kỳ thi và được thăng quan tiến chức. Cớ sao con lại ngừng học?”

Viên Liễu Phàm liền kể lại chuyện nghe lời mẹ bỏ việc đọc sách thánh hiền để theo học nghề y. Ông lão tự xưng mình họ Khổng, là người tỉnh Vân Nam, từng được chân truyền phép xem số Hoàng Cực của tiên sinh Thiệu Khang Tiết đời nhà Tống. Ông nói rằng số mệnh của Viên Liễu Phàm đã định sẵn rồi, cần phải nói hết cho ông ta biết.

Viên Liễu Phàm liền thỉnh mời Khổng tiên sinh về nhà mình và đem mọi chuyện kể lại cho mẹ. Mẹ ông nói: “Nếu vị tiên sinh ấy tự xưng là người tinh thông tướng số, vậy hãy mời tiên sinh bói thử cho con, xem xem liệu những điều được tiên đoán có chính xác hay không”. Kết quả, Khổng tiên sinh đều nói đúng, ngay cả những chi tiết nhỏ cũng cực kỳ chính xác. Tiếp đó, Khổng tiên sinh nói về số mệnh tương lai của Viên Liễu Phàm cát hung họa phúc ra sao, như là năm nào ông sẽ trúng tuyển, năm nào ông nên ra ứng thí Lẫm Sinh, năm nào ông sẽ trở thành Cống Sinh, sau khi tốt nghiệp, ông sẽ làm quan huyện ở tỉnh nào. Làm quan được ba năm rưỡi, Viên Liễu Phàm sẽ từ quan và về quê nhà. Cuối cùng, ông sẽ qua đời vào giờ Sửu ngày 14 tháng 8 âm lịch, hưởng thọ 53 tuổi. Đáng tiếc là trong mệnh ông đã định là sẽ không có con trai để nối dõi.

Viên Liễu Phàm ghi lại những lời của Khổng tiên sinh, thế là lại bắt đầu tiếp tục học hành. Từ đó về sau, hễ tham gia cuộc khảo thí nào thì thứ hạng của ông luôn đúng như lời Khổng tiên sinh đã dự đoán. Có một lần, dựa theo lời Khổng tiên sinh đã tiên đoán thì Viên Liễu Phàm khi làm Lẫm Sinh được cấp gạo ăn, đến khi lĩnh đủ 91 thạch 5 đấu gạo mới trở thành Cống Sinh. Nhưng khi ông mới chỉ lĩnh được 71 thạch thì tôn sư họ Đồ là quan Học Đài (chức quan Học Đài ngày xưa tương đương với Giám đốc Sở Giáo dục ngày nay) đã tiến cử ông làm Cống Sinh. Viên Liễu Phàm bắt đầu hoài nghi lời tiên đoán của Khổng tiên sinh lúc trước đã có phần sai trật.

Sau đó, quả nhiên việc này bị một vị đại diện của quan Học Đài là tôn sư họ Dương bãi bỏ, không chấp nhận việc tiến cử ông làm Cống Sinh. Trải qua bao trắc trở mãi đến năm Đinh Mão ông mới được chấp thuận. Trước đã nhận được 71 thạch gạo, cộng với số gạo nhận thêm cho đến thời điểm ấy thì vừa đúng 91 thạch 5 đấu. Viên Liễu Phàm trải phen trắc trở ấy lại càng tin rằng: con đường công danh của mỗi người dẫu có tiến thoái thăng trầm thì đều là điều đã định sẵn trong số mệnh rồi. Dẫu vận may tới sớm hay muộn thì thời điểm cũng đã định trước rồi, vậy nên ông coi nhẹ mọi thứ, không truy cầu điều gì nữa.

Vốn đã được biết trước cả cuộc đời của mình, Viên Liễu Phàm trở nên an phận thủ thường. Khi được tiến cử làm Cống Sinh, theo quy định, ông sẽ đến học tại trường Quốc Học tại Nam Kinh. Trước khi đến trường Quốc Học, ông lên núi Tây Hà ở ngoại ô Nam Kinh bái kiến Vân Cốc thiền sư, là một vị cao tăng đắc Đạo.

Tại thiền phòng của Vân Cốc thiền sư, nhà sư kinh ngạc hỏi Viên Liễu Phàm: “Từ khi thí chủ bước vào đây, bần tăng không hề thấy thí chủ khởi vọng niệm nào, đó là duyên cớ làm sao?”

Viên Liễu Phàm giãi bày với thiền sư: “Số mệnh của tôi đã được Khổng tiên sinh đoán định chính xác rồi, lúc nào sinh, lúc nào tử, khi nào gặp vận, khi nào gặp hạn, đều đã biết trước cả rồi, chẳng có cách nào thay đổi được. Chính là vì tôi có muốn nghĩ ngợi lung tung thì cũng không ích lợi gì, cũng là mơ tưởng viển vông cả, cho nên quả thực là tôi không nghĩ gì nữa, trong lòng cũng không còn vọng niệm gì”.

Vân Cốc thiền sư cười nói: “Tôi vốn nghĩ rằng ông là một hào kiệt hiếm có trên đời, giờ tôi mới biết hóa ra ông chỉ là một phàm phu tục tử tầm thường mà thôi”.
Viên Liễu Phàm hỏi thiền sư: “Tại sao lại như vậy?”

Vân Cốc thiền sư đáp: “Một người bình thường, thông thể nói rằng họ hoàn toàn không nghĩ những điều xấu; chẳng may có lúc không kiềm chế tham vọng lại được thì cũng vẫn bị vận mệnh trói buộc thôi; mà còn bị vận mệnh trói buộc thì làm sao nói đến chuyện vượt qua số mệnh? Tuy nói số mệnh đều là tiền định, nhưng chỉ những người bình thường mới bị trói buộc vào số mệnh được an bài sẵn đó thôi. Nếu là người cực thiện thì số mệnh sẽ không thể trói buộc nổi người đó”.

Mở chương đầu tiên trong Kinh Dịch, thiền sư nói: ” “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”(Nhà mà làm việc thiện tích đức thì tất nhiên sẽ gặp nhiều điều tốt lành). Vì vậy, số mệnh của con người là có thể tự thay đổi được. Phật gia giảng con người cần phải hiểu thấu điều thiện và điều ác, dựa theo đó mà hành động. Số mênh là do tự mình tạo, phúc là bởi tự mình cầu, kẻ làm ác tất sẽ tổn phúc đức, người tu thiện ắt sẽ được phúc đức. Điều trong các kinh thư thuở xưa đã nói, thật sự là lời giáo huấn rất giá trị, rõ ràng và chính xác. Trong kinh Phật, chúng ta cũng được dạy rằng: người như thế cầu phú quý ắt sẽ được phú quý, cầu con cái ắt sẽ có con cái, cầu trường thọ ắt sẽ được trường thọ!”

Những lời nói đó như đánh thức người trong mộng, Viên Liễu Phàm bắt đầu thay đổi. Kể từ đó về sau, ông ngày ngày trau dồi đức hạnh, dẫu là ở nơi không người cũng nhất định không làm gì đắc tội với đất trời. Khi gặp phải những người ganh ghét và phỉ báng mình, ông có thể thản nhiên như không, cũng không màng so đo tranh luận với họ.

Một năm sau lần gặp Vân Cốc thiền sư, ông tham dự kỳ thi Đình. Theo lời của Khổng tiên sinh, ông sẽ xếp hạng thứ ba trong kỳ thi này, vậy mà lạ kỳ thay ông lại đỗ đầu, lời của Khổng tiên sinh thực sự đã bắt đầu không còn linh nghiệm nữa. Khổng tiên sinh không bói được rằng Viên Liễu Phàm đỗ cao như vậy trong kỳ thi, những điều này vốn không có trong số mệnh của ông.

Sau đó, Viên Liễu Phàm phát nguyện sẽ làm 3.000 việc thiện. Qua hơn mười năm nỗ lực, ông đã hoàn thành được ước nguyện ấy, và kết quả là vợ ông sinh được một đứa con trai, đặt tên là Thiên Khải. Sau này, mỗi lần làm được một việc thiện, lúc nào ông cũng đều dùng bút ghi chép lại; vợ ông không biết viết chữ, mỗi lần chồng làm được một việc thiện đều dùng bút lông ngỗng mà vẽ một vòng tròn màu đỏ trên lịch, dẫu là phân phát lương thực cho người nghèo, hay là mua vật sống để phóng sinh thì đều nhớ ghi lại. Có khi một ngày đã hơn 10 vòng tròn đỏ, chính là một ngày mà làm được hơn 10 việc thiện. Mấy năm sau, đến năm Bính Tuất, ông tự nhiên lại thi đỗ tiến sĩ, bộ Lại bèn bổ nhiệm Viên Liễu Phàm làm chức quan huyện lệnh coi sóc huyện Bảo Trì, vậy là ông lại phát nguyện tiếp tục làm thêm một vạn điều thiện nữa.

Khi đang làm tri huyện Bảo Trì, ông chuẩn bị viết một cuốn sách nhỏ. Viên Liễu Phàm gọi nó là sách “Trì Tâm”. Ý là sợ rằng bản thân mình nảy sinh tâm xấu, bởi vậy mới đặt hai chữ là “Trì Tâm” – nghĩa là giữ vững tâm tính. Mỗi ngày khi xử lý mọi việc, dù là việc nhỏ đến đâu, ông đều nhớ lấy những điều trong cuốn “Trì Tâm” mà suy xét. Đến tối, ông lập đàn ở sân sau nhà, thay quan phục, bắt chước quan Thiết Diện Ngự Sử (Chức quan chuyên xét xử quan lại và can ngăn vua) Triệu Duyệt Đạo đời nhà Tống, và thắp hương cầu khấn Thượng Đế, mỗi ngày ông đều làm như vậy. Vợ ông thấy chồng mình bận bịu quá nhiều công vụ không có nhiều thời gian để làm việc thiện nên thường hay cau mày nói: “Thiếp thuở xưa ở nhà giúp chàng làm việc thiện mới có thể hoàn thành tâm nguyện làm 3 nghìn việc tốt. Bây giờ chàng lại nguyện sẽ làm một vạn việc tốt, nhưng đâu có được bao nhiêu việc tốt mà làm trên công đường, chẳng biết bao lâu nữa mới hoàn thành được tâm nguyện đây?”

Sau khi nghe vợ nói ra những suy nghĩ ấy, tối đó Viên Liễu Phàm nằm mơ thấy một vị thần. Ông nói với vị thần ấy rằng tâm nguyện làm một vạn việc thiện thật khó hoàn thành được. Vị thần đáp: “Chỉ tính riêng việc ông lấy danh nghĩa là tri huyện mà giảm tiền thuế ruộng cho dân là đã làm được một vạn việc thiện rồi, đã hoàn thành tâm nguyện của ông rồi đó”.

Nguyên là ở huyện Bảo Trì, mỗi mẫu đất nông dân phải nộp thuế 2 phân 3 ly 7 hào. Viên Liễu Phàm nghĩ rằng người dân trăm họ phải đóng thuế quá nặng, vậy nên sau khi đi kiểm kê toàn huyện một lượt, ông quyết định mỗi mẫu ruộng sẽ chỉ phải đóng 1 phân 4 ly 6 hào.

Cải biến từ tâm linh, bước trên con đường rèn giũa đạo đức, thì có thể cải biến được số mệnh.

Cả cuộc đời Viên Liễu Phàm không ngừng làm việc thiện, Khổng tiên sinh đoán rằng khi được 53 tuổi ông sẽ qua đời, nhưng tới tận năm 69 tuổi ông vẫn rất khỏe mạnh. Sau đó, Viên Liễu Phàm tiếp tục làm việc thiện trong suốt phần đời còn lại của mình. Ông đã lấy toàn bộ câu chuyện thay đổi vận mệnh mà bản thân đã tự thể nghiệm trong suốt cuộc đời để viết thành một cuốn sách nhỏ “Liễu Phàm Tứ Huấn”, truyền lại cho con trai mình là Thiên Khải và cho hậu thế.

Câu chuyện Viên Liễu Phàm tự mình thay đổi vận mệnh khiến chúng ta phải suy ngẫm. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc thì chủ đề chính yếu nhất đều là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Nhìn lại trong sử sách, có vô số tiểu thuyết của người xưa đều ghi lại và trình bày đạo lý này, mà Viên Liễu Phàm chỉ là một người trong số đó. Ông đã lấy trải nghiệm thực tế của bản thân mà ghi chép lại, cho nên “Liễu Phàm Tứ Huấn” mãi cho đến ngày nay vẫn có sức ảnh hưởng lớn.

(Sưu tầm)


Posted on Để lại phản hồi

Nhân duyên gặp gỡ

Tục ngữ Ấn Độ nói rằng:

Bất luận bạn gặp ai, đó đều là gặp đúng người.
Bất luận phát sinh vấn đề gì, nó đều là việc duy nhất phát sinh.
Bất kể sự việc phát sinh lúc nào, đều là đúng thời khắc.

Những câu nói này khiến người ta liên tưởng tới điều Phật Thích Ca nói:

“Bất luận bạn gặp ai, người đó đều là người cần xuất hiện trong cuộc đời của bạn, tuyệt đối chẳng phải ngẫu nhiên, người đó sẽ dạy cho bạn một thứ gì đó”.ỗi một vấn đề, một câu hỏi, cuộc sống luôn cho bạn đáp án, tuy nhiên, điều bạn cần là chờ đợi.

Chuyện kể rằng có một người lữ hành đi ngang qua bờ sông, gặp một người phụ nữ trung tuổi đang lo lắng vì không tìm được cách qua sông. Người lữ hành này dùng toàn bộ sức cùng, lực tận của mình giúp người phụ nữ đó qua sông, khi qua được sông, người phụ nữ này liền vội vàng bước đi mà không nói một lời nào.

Người lữ hành cảm thấy hối hận và cảm giác người phụ nữ này không đáng để mình giúp đỡ, bởi ngay cả một câu “cám ơn” bà ấy ấy cũng không biết.

Ai ngờ, khoảng hơn một tiếng sau, có một chàng thanh niên trẻ đuổi theo người lữ hành và nói: “Cám ơn anh đã giúp mẹ tôi qua sông, mẹ tôi kêu tôi mang cho anh thứ này”. Nói xong chàng thanh niên đưa cho người lữ hành một ít lương khô, và cả con ngựa mình đang cưỡi cũng tặng cho người lữ hành này luôn.

Mọi việc trên đời đều có đáp án, quan trọng, là bạn cần chờ đợi, chỉ cần bạn chờ đợi, nhẫn nại, tâm thái an hòa, tất cả mọi thứ bạn cần, đều sẽ có.

Đợi chờ cũng là cảnh giới của trí huệ, bởi tất cả những gì tốt đẹp và thú vị nhất của cuộc sống này đều được vun bồi từ sự chờ đợi mà ra.

Và cuộc đời cũng lại như vậy, tất cả mọi việc ta gặp, đó đều là sự sắp đạt hoàn hảo nhất.

Núi có đỉnh, biển có bờ, chiều dài sinh mệnh cũng có ngày chuyển thế, khổ tận thì ắt có cam lai, mọi thứ đều là an bài, không gì bỏ sót.

Ai đó đã từng nói: “Cái khổ mà hôm nay ta chịu, trách nhiệm mà hôm nay ta phải gánh, nỗi đau mà hôm nay ta trải, sau cùng, tất cả sẽ biến thành ánh sáng, thành bình minh chiếu rọi bước chân ta”.

Có một vị quốc vương rất thích săn bắn, quốc vương thường cùng với thừa tướng trong triều cải trang thành thường dân vào rừng đi săn. Vị thừa tướng này luôn luôn có câu nói cửa miệng: “Tất cả đều là an bài tốt nhất”.

Một hôm hai người cùng nhau đi săn, vị quốc vương bắn được một con báo hoa, sau khi con báo hoa trúng tên bị thương sắp chết, vị quốc vương xuống ngựa định chạy đến thu chiến lợi phẩm của mình. Ngờ đâu, con báo hoa dùng chút sức lực cuối cùng của mình bật dậy vồ lấy quốc vương.

Vị quốc vương nhanh nhẹn né sang một bên nhưng vẫn bị báo hoa cắn vào đầu ngón tay mất một miếng. Quốc vương gọi thừa tướng đến dùng rượu rửa vết thương cho mình, ai ngờ, vị thừa tướng lại nói:

“Đại vương hãy nghĩ thoáng đi một chút, tất cả đều là sự an bài tốt nhất”.

Quốc vương thấy thừa tướng không những không giúp mình trị thương lại còn nói vậy nên nổi giận nói:

“Nếu như quả nhân đem thừa tướng nhốt vào đại lao, đây cũng là an bài tốt nhất sao?”

Vị thừa tướng cười nói: “Nếu như là vậy, thần vẫn tin rằng đó là an bài tốt nhất.”

Quốc vương nghe vậy lại càng giận hơn, cho người nhốt thừa tướng vào đại lao.

Một tháng sau, quốc vương dưỡng thương xong, một mình lại vào rừng săn bắn, quốc vương đến một nơi thâm sâu cùng cốc trong núi cao rừng già. Đột nhiên xuất hiện một đám người thổ dân, đám thổ dân nhanh chóng bắt lấy quốc vương đem về bộ lạc, bộ lạc này có tập tục, vào mỗi ngày trăng tròn trong tháng thì đều xuống núi tìm lễ vật để tế nữ Thần của mình.

Khi đám thổ dân chuẩn bị đem quốc vương đi hỏa thiêu trên dàn tế, trong lúc quốc vương tuyệt vọng đợi chết thì họ phát hiện tay quốc vương vị thiếu mất nửa đốt ngón tay, đây là một lễ vật không hoàn mỹ, sẽ làm nữ thần họ phẫn nộ. Vậy là đám thổ dân thả quốc vương ra cho về nhà.

Quốc vương vui mừng trở về cung bày yến tiệc rồi mời thừa tướng uống rượu, trong lúc cao hứng, quốc vương nói: “Thừa tướng nói quả là không sai chút nào, tất cả đều là an bài tốt nhất, nếu như hôm đó tay quả nhân không bị báo hoa cắn một miếng, e rằng mạng này của quả nhân đã không còn rồi”.

Nói xong quốc vương nhìn thừa tướng rồi đột nhiên nghĩ ra: “Nhưng mà, thừa tướng vô duyên vô cớ bị quả nhân đem nhốt vào ngục hơn 1 tháng, điều này giải thích sao đây?”.

Thừa tướng đáp: “Nếu như thần không bị nhốt vào ngục, vậy chẳng phải thần sẽ cùng đại vương đi săn sao? Khi đám thổ dân phát hiện đại vương không thích hợp làm lễ vật, chẳng phải họ sẽ bắt thần thay thế sao?”.

Quốc vương nghe đến đây, không nhịn được cười lớn mà nói: “Quả không sai, tất cả đều là an bài tốt nhất”.

Trời không tuyệt đường của ai bao giờ, câu chuyện này cho ta thấy một đạo lý:

Cuộc đời chúng ta, đôi khi gặp phải khó khăn, gặp phải hoàn cảnh thật khó mà dung nhẫn, khó mà tha thứ. Nhưng sau khi sự việc qua đi, chúng ta đột nhiên nhận ra rằng, mọi sự trên đời đều là an bài tốt nhất. Vậy cần gì phải đau buồn, tự trách bản thân mỗi khi gặp nạn, bởi biết đâu đây lại chính là sự an bài hoàn hảo nhất.

Cổ nhân nói: “Trong họa được phúc, mà trong phúc có họa” cũng chính là ý này. Khi chúng ta gặp khó khăn, gặp trở ngại, không cần phải bi thương, hãy học cách nhìn xa hơn, nhìn rộng hơn, và đặc biệt không nên oán trời, trách đất. Sau cơn mưa trời lại sáng, cầu vồng rực rỡ phía chân trời.

Cuộc sống muôn màu, cuộc đời muôn sắc, sướng khổ, buồn vùi chính bởi tại tâm, hãy dùng tâm thái vui vẻ mà đối diện với mọi việc, trời cao không vô duyên vô cớ mà an bài bất cứ việc gì đó.

Cuộc sống, bất luận chúng ta gặp phải điều gì đó, thì đó cũng là điều ta phải gặp, là chuyện ta phải làm, ung dung tự tại, an lạc tự thân, hữu cầu mất công, vô cầu tự đắc.

st by Admin ~~~ Chiều Hà Nội mưa!!!

Posted on Để lại phản hồi

Hoa Sen Hà Nội ^^

Hẳn những người mê hoa, sẽ khó lòng cưỡng lại vẻ đẹp cùng hương thơm mà nàng Sen mang lại mỗi độ hè về.

Có lẽ, không it loài hoa thơm hơn Sen về hương, đẹp hơn Sen về sắc, đặc biệt cắm lọ bền hơn Sen rất nhiều. Tuy vậy, Sen là loài duy nhất hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp  hữu sắc, hữu hương, làm say đắm lòng người, là loài hoa hội đủ những ý nghĩa triết học – nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt. Từ đó, Sen có một vị trí quan trọng đặc biệt trong các mô típ trang trí dân gian. Đặc biệt hơn nữa, trong Đạo Phật hoa Sen còn là vật bất ly thân của các vị Bồ Tát.

Chính với những vẻ đẹp nên thơ từ hình dáng cho đến ‎‎ý‎ nghĩa nhân sinh của những đóa hoa sen, nên mỗi người dành tình cảm đặc biệt cho hoa, thường sẽ xuyến xao, chọn cho mình it nhiều những bông sen thả bình, rồi lại nôn nao ra ngóng vào trông đợi chờ hoa nở.

Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm trong cách chọn hoa, dưỡng hoa, chăm sóc hoa, để lọ hoa sen mình cắm nở to tròn, tỏa hương thơm mát nhé! Nghĩ đến thôi đã thấy mơn man trong lòng lắm rồi ^^

*Sen trắng

Sen Cốm là một loại Sen trắng có phẩy hồng ở đầu cánh. Khi mua Sen trắng nên chọn hoa có mầu trắng, đã đến lứa, đầu bông nở hé. Chắc chắn sẽ nở.

Nếu mua Sen trắng mà còn xanh quá thì không nở được vì có lẽ hoa bị cắt trước một vài ngày .

* Sen hồng và Quỳ hồng

– Khi còn là nụ, nụ Sen đầy đặn, căng mẩy. Khi sắp nở, hé tròn đầu bông, các lớp cánh sương bên ngoài hồng phớt xanh. Đầu cánh hé tròn , đã hơi có hương thoang thoảng. Bóp nhẹ thấy chắc và mẩy bông vì có nhiều lớp cánh nhỏ bằng ngón tay bên trong.

– Nhìn cảm quan thấy rõ, màu sắc hồng tươi, cành thường thanh nhã , không nhiều gai .

Thường khi nở lúc 2-3 h sáng lúc này Sen đượm hương nhất .

– Quỳ khi còn nụ thường có nước da sẫm đen và tái hơn Sen. Nụ Quỳ nhọn đầu cánh, khi hoa đến lứa cũng hé đầu bông, cho một làn hương dịu nhẹ không bằng Sen.

Nhìn cảm quan nụ Quỳ gầy và không mỡ màng như Sen. Lớp cánh sương bên ngoài hồng thẫm , sẫm mầu, bóp nhẹ tay thấy óp chứ không chắc vì Quỳ chỉ có 3-4 lớp cánh to . Không có nhiều lớp cánh nhỏ. Cành to, thô ít gai và thường sẫm màu hơn Sen.

Nở cùng thời gian từ 2-3 h sáng như Sen và cho một làn hương dịu nhẹ hơn sen.

 Nếu là người chỉ chơi hoa , không cần ướp Trà thì Quỳ cũng khá ổn, bởi nếu mua được quỳ vừa tới độ, thì cũng nở thơm. Bởi Hà Nội vào hè Sen mua khó hơn Quỳ.

* Cách dưỡng Sen Quỳ -Súng nói chung .

– Khi mua hoa về, ta thả hoa vào lọ ngập nước đến gần cuống sát búp hoa, hoặc lấy xi lanh bơm nước trực tiếp vào cuống hoa , lá . Khi thấy nặng tay tức là cuống hoa đã tiếp nhận đủ nước.

– Có thể cắm Sen vào lọ cao ,sao cho cuống Sen ngập trong nước càng nhiều càng tốt . Chỉ để đầu bông trên mặt nước thôi. Tránh để bông hoa chìm trong nước sẽ không nở đẹp .

– Nếu bình nhẹ , ít bông có thể mang ra ngoài trời cho ăn sương đêm cũng góp phần cho hoa nở đẹp

 Chú ý nên hạn chế mua Sen khi trời mưa trước đó vài hôm. Nhất là hôm định cắm trời vẫn âm u không có nắng . Mặc dù có nở nhưng không phải là 100% và hoa không đẹp , hương cũng nhạt .

* Hoa Sen cắm đẹp nhất khi được kết hợp với lá và đài của nó. Nhưng thường khi mua 10 bông hoa thì thường chỉ có 1 búp lá và 1 lá to để gói, khi đó ta nên có phụ kiện giúp cho bình hoa mềm mại hơn.

Các phụ kiện kết hợp như: Lá Trầu bà , lá cỏ nến, lá đuôi công, lá huyết dụ…

*  Cách chọn bình cắm Sen .

Theo chúng ta đã biết thì hoa Sen đã có một vẻ đẹp tròn trịa và đầy đặn rồi. Chính vì thế nên chọn dáng bình, lọ có đường nét thẳng ( hoặc chỉ hơi cong nhẹ ) để làm nổi bật đặc tính thanh cao viên mãn của hoa .

Các bình dạng vuông, trụ tròn , hoặc bình dáng cổ điền có vẻ như là phù hợp với các em nhất .

Sau đó có thể kết hợp với các loại chum vại sành có miệng rộng , hoặc men sần tạo sự thô mộc tương phản với độ mượt mà của hoa Sen …. Người ta it dùng bình thủy tinh để cắm hoa Sen, trừ một vài trường hợp đặc biệt muốn nêu bật sự trong trẻo, tươi mát vì nhìn thấy nước trong bình .

* Vị trí đặt hoa:

Lọ hoa Sen, Quỳ, Súng noi chung thich hợp nhất khi đặt ở không gian cổ kính, mộc mạc, đơn sơ… sẽ giúp các em càng trở nên đẹp thanh tao

Mình thich cắm bình gốm kiểu cổ, đặt bên cửa sổ …^^

Sẽ cho hiệu quả vô cùng thú vị khi thưởng hoa tinh khôi bên hương trà thanh khiết, nghe một bản nhạc du dương …

Chúc cho mỗi người yêu hoa sẽ có những bình hoa đẹp như ‎‎‎ ‎ý !

By: hoa sinh nhật